Cần Giờ sẽ trở thành thành phố nghỉ dưỡng biển vào năm 2030
Đó là mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết định hướng phát triển Cần Giờ do Thành uỷ TP.HCM vừa mới ban hành.
Diện mạo của thành phố nghỉ dưỡng biển
Theo Thành uỷ TP.HCM, Cần Giờ với hệ sinh thái rừng ngập mặn – khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ được xây dựng để trở thành hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.
Phấn đấu tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2030 của huyện tăng 20,7%/năm; đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiếm 74,7% tổng giá trị sản xuất; thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch đạt 100%.
Cần Giờ sẽ tập trung phát triển dịch vụ, du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản chất lượng cao. Cần Giờ định hướng thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với tổng lượng khách giai đoạn 2021-2030 là 49 triệu lượt, tốc độ tăng bình quân 12,5% mỗi năm.
Để đạt mục tiêu trên, Cần Giờ sẽ tập trung đầu tư Dự án mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ” theo quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời, thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác cảng biển tổng hợp, chuyên dùng, cảng hành khách quốc tế, cảng container trung chuyển quốc tế, nghiên cứu phát triển đường trên cao dọc đường Rừng Sác vào Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ… nhằm hình thành hạ tầng logistics kết nối liên thông các địa phương trong nước và quốc tế.
Bất động sản Cần Giờ có “sốt”?
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km, huyện đảo Cần Giờ xưa nay được xem như là “vùng sâu, vùng xa” bởi cách trở sông nước. Vùng đất này nổi tiếng bởi đây là huyện duy nhất của thành phố giáp biển, có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn… Nhiều người lựa chọn Cần Giờ như một điểm đến vui chơi trong các dịp cuối tuần, ngày lễ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Cần Giờ được nhắc đến nhiều hơn như một trong những thị trường bất động sản đầy tiềm năng. Thực tế, huyện đảo này đã không ít lần lên cơn sốt đất. Đặc biệt, những đợt sóng này thường gắn liền với thông tin về xây dựng cầu thay phà Bình Khánh nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ, hay một vài dự án bất động sản lớn được quy hoạch đã thổi giá đất Cần Giờ tăng rất nhanh.
Hiện nay, để di chuyển từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ thường mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, trong đó việc qua phà Bình Khánh khá mất thời gian. Dù được phê duyệt từ lâu, song đến nay dự án xây dựng cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh vẫn chưa được xây dựng.
Khu đô thị lấn biển Cần Giờ là dự án "khủng" nhát hiện nay ở huyện đảo
Khu đô thị lấn biển Cần Giờ rộng gần 3.000 ha do Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư đang là dự án có tầm ảnh hưởng lớn nhất với thị trường bất động sản Cần Giờ. Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được duyệt, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ gồm 5 phân khu chính có các chức năng: du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị, đô thị thông minh, nhà ở, khách sạn... Dù đã được phê duyệt, song ghi nhận thực tế tiến độ của Khu đô thị lấn biển Cần Giờ mấy năm gần đây gần như “dậm chân tại chỗ”.
Trong năm 2021, Sở GTVT TP.HCM đã có đề xuất nghiên cứu bổ sung sân bay nhỏ ở Cần Giờ để tăng kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) tương lai, thúc đẩy phát triển du lịch.
Thậm chí đầu năm 2022, dư luận cũng bàn tán sôi nổi sau khi xuất hiện nhiều ý kiến đề xuất xây cầu hay hầm vượt biển nối Cần Giờ với TP. Vũng Tàu. Hiện nay, để kết nối hai địa điểm du lịch này chủ yếu bằng các chuyến phà biển được đưa vào khai thác từ đầu năm 2021.
Trong khi chờ đợi các siêu dự án đô thị, hạ tầng kết nối trên thì Cần Giờ hiện vẫn chưa có quá nhiều điểm nổi bật. Ghi nhận thực tế, hiện nay Cần Thạnh được xem là trung tâm, là nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất hiện nay của Cần Giờ. Tuy nhiên, hiện nay ngoài những tòa nhà trung tâm hành chính nằm trên đường Lương Văn Nho, thì khu vực trung tâm thị trấn chỉ có một khu chợ, một siêu thị Co.opmart nhỏ, các nhà hàng kinh doanh hải sản ven biển là đáng chú ý.
Dù là huyện duy nhất của TP.HCM giáp biển, nhưng bãi biển Cần Giờ cũng có nhiều hạn chế như hẹp, không có bãi tắm, nhiều đá sỏi, rác và nước biển không được sạch như các nơi khác. Cơ sở dịch vụ lưu trú ở Cần Giờ hiện cũng không quá phong phú, chỉ phù hợp với những chuyến đi về trong ngày hoặc dịp cuối tuần, ngày lễ ngắn ngày.
coppy từ cafe land