Sớm nâng cấp các cảng cá tại Bà Rịa - Vũng Tàu
23/06/2018 - 05:06:12 PM | 1956
Khai thác thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ của địa phương, giá trị và sản lượng khai thác thủy hải sản của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu đang ngày càng tăng, kéo theo đời sống của bà con ngư dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc phản ánh, hạ tầng dịch vụ nghề cá, nhất là hệ thống các cảng cá trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con ngư dân, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động khai thác thủy, hải sản. Phát triển đội tàu đánh bắt hiện đại

Sau ba năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ đã đạt được những kết quả khả quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ngư dân và những người trực tiếp hoạt động trong ngành thủy sản.

Ðến hết năm 2017, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định cho 237 tổ chức, cá nhân đóng mới và nâng cấp tàu cá với tổng dự toán 2.400 tỷ đồng. Mục tiêu hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được, bởi phần lớn tàu đóng mới là tàu vỏ thép, vỏ composite với kinh phí đầu tư rất lớn, có tàu giá trị gần
60 tỷ đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một trong những địa phương được các ngân hàng thương mại cam kết cho vay với số tiền cao nhất trong cả nước.

Qua ghi nhận thực tế tại địa phương, hầu hết các tàu khai thác thủy, hải sản sau khi đi vào hoạt động đều hiệu quả, giá trị và sản lượng khai thác tăng cao, 23 tàu đến hạn trả nợ ngân hàng đều thực hiện trả nợ gốc, lãi đúng kế hoạch theo hợp đồng tín dụng, chưa phát sinh nợ xấu. Song song với chính sách tín dụng, các tàu đóng mới theo Nghị định 67 còn yên tâm vươn khơi bám biển với sự hỗ trợ của chính sách bảo hiểm. Các chính sách vay vốn đóng mới tàu cá, chính sách bảo hiểm đã góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững. Ông Ðỗ Tấn Công, chủ tàu cá ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Ðiền, cho biết: "Việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt thủy, hải sản là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên, việc hiện đại hóa đội tàu phải đi kèm với việc hiện đại hóa và mở rộng các cảng thủy, hải sản, hệ thống luồng lạch ra vào cảng bởi nếu không sẽ gây khó khăn và thiệt hại rất nhiều cho bà con ngư dân".

Hiện đại hóa các cảng cá

Hiện nay, hệ thống hạ tầng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang bộc lộ nhiều bất cập, luồng lạch ra vào chưa thông thoáng, năng lực cảng cá còn hạn chế chưa đủ điều kiện tiếp nhận cùng lúc nhiều tàu vỏ sắt trọng lượng lớn ra vào. Phó Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Ðức Hoàng cho biết, toàn tỉnh hiện có sáu cảng, cụm cảng cá và mười bến cá với tổng chiều dài cầu cảng 1.463 m phục vụ việc lên xuống hàng hóa, thủy sản với khoảng 340.000 tấn/năm. Hệ thống các cảng cá chỉ đáp ứng được hơn 70 tàu cập cảng cùng một lúc. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có gần 6.300 tàu cá lớn nhỏ, bình quân mỗi ngày có ít nhất 500 tàu cá ra vào, do đó các cảng đang quá tải. Ðó là chưa kể hầu hết các cảng cá này đều có "thâm niên" sử dụng hàng chục năm cho nên đều đã cũ và lạc hậu.

Khảo sát tại cảng cá Cát Lở, cảng cá loại 1 lớn nhất của Vũng Tàu, với ba cầu cảng (tổng chiều dài 402 m). Song, do được xây dựng từ năm 1997, trải qua thời gian dài sử dụng, cộng thêm số lượng ghe tàu vào neo đậu ngày càng đông, lượng phương tiện cơ giới vận chuyển thủy, hải sản ra vào thường xuyên, khiến cảng xuống cấp nhanh, gây khó khăn cho các hoạt động dịch vụ trên bờ. Hiện, cảng không đủ vị trí cho tàu, thuyền cập đậu.

Hệ thống luồng lạch vào ra các cảng cũng đang tồn tại những bất cập gây khó khăn và thiệt hại không nhỏ cho bà con ngư dân. Trong đó nghiêm trọng nhất phải kể tới hệ thống luồng vào cảng Bến Lội - Bình Châu. Từ đầu năm 2018 đến nay, luồng vào cảng cá này bị bồi lấp nghiêm trọng, khiến hàng trăm tàu cá của ngư dân phải nằm bờ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nghề cá tại địa phương. Ngư dân Võ Văn Thạch (tổ 1, ấp Bình Hòa, xã Bình Châu, có thâm niên hơn 20 năm bám biển) lo lắng: "Chưa năm nào tình trạng bồi lấp nặng như năm nay. Tàu cá của tôi phải nằm bờ vài tháng mới có thể xuất bến được. Tôi đóng chiếc tàu cá vỏ sắt BV 96279TS, công suất 1.300CV hết 20 tỷ đồng. Tàu mới ra khơi được bốn chuyến thì phải nằm bờ. Trong thời gian tàu nằm bờ, gia đình tôi phải chạy vạy vay tiền mới trả được nợ ngân hàng theo cam kết". Do luồng bị bồi lấp nên hầu hết tàu cá của huyện Xuyên Mộc phải "mượn đường" qua các cảng khác như: Bến Ðình, Cát Lở (TP Vũng Tàu), La Gi (Bình Thuận)… để bán hải sản. Theo tính toán của ngư dân, từ Bình Châu qua La Gi cả đi và về phải chạy thêm 26 hải lý, cộng thêm tiền bến bãi, ăn uống, thuê xe để bạn ghe về cũng mất thêm cả chục triệu đồng. Ðây là những chi phí không đáng có và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của ngư dân trong bối cảnh hầu hết bà con ngư dân đều đang phải vay vốn ngân hàng để hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: "Hiện nay, luồng vào cảng Bến Lội - Bình Châu chỉ rộng khoảng 8 m cho nên tàu từ 90CV trở lên không thể ra vào được. Trong số gần 600 tàu cá của địa phương có hơn 200 tàu phải nằm bờ. Từ năm 2017 đến nay, đã có bốn chiếc ghe bị mắc cạn khi ra vào cảng. Xã Bình Châu đã nhiều lần đề nghị cấp trên sớm triển khai nạo vét, duy tu luồng để ghe tàu ra vào cảng thuận lợi hơn".

Ðược biết, dự án nạo vét, duy tu luồng vào cảng Bến Lội - Bình Châu đang được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc quyết liệt triển khai, tuy nhiên theo bà con ngư dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy, hải sản, để ngành khai thác thủy, hải sản địa phương thật sự phát huy hết những lợi thế và tiềm năng sẵn có, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải sớm xây dựng một giải pháp tổng thể nhằm nâng cấp và phát triển toàn diện hệ thống hạ tầng dịch vụ nghề cá trên địa bàn, trong đó không thể không có việc đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá trên địa bàn.

Tình trạng tranh giành chỗ neo đậu trong cảng cá Bến Lội - Bình Châu đang ngày càng phức tạp do cảng quá hẹp, quá nhỏ không đáp ứng nhu cầu khai thác của bà con ngư dân. Nếu kéo dài sẽ gây mất an ninh, trật tự và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của bà con.

nguồn : NGUYỄN THỊ THANH

Hotline tư vấn miễn phí: 0973 809 486
Zalo